“Thằng Bờm có cái quạt mo,

Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,

Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè,

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè,

Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim,

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim,

Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi,

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi,

Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười!”

Bài thơ đã được dùng cho rất nhiều mục đích. Có nơi giảng cho trẻ thơ phải ngoan và hồn nhiên như Bờm thì sẽ được Phú Ông thưởng nắm xôi.  Có nơi lại nhấn mạnh vào những chi tiết của mười câu thơ để tả đời sống nông thôn ngày xưa với trâu, bò và ao sâu, bè gỗ. Thật đúng quá, và có lẽ còn nhiều cách đọc khác nữa, nhiều kiểu lý giải nữa mà chúng ta chưa kể hết.

Riêng tôi, với cái nhìn “méo mó” của nghề nghiệp, đã thấy một cuộc thương thuyết quá tuyệt vời qua những câu thơ đó. Dưới con mắt của tôi, rõ ràng đây là một cuộc thương thuyết sắc sảo và gay go, tuy vui vẻ, giữa hai nhân vật rất khác nhau về trình độ cũng như thế vị trong xã hội. Còn có gì hay hơn là một cuộc đối đáp chênh lệch như thế, để rồi kết cuộc thể hiện tài thương thảo có khả năng đưa ra hai nhân vật tới đâu.

Vậy từ bài ca dao, chúng ta có thể rút tỉa những bài học gì? Trong một cuộc thương lượng, thỏa thuận, chúng ta cần ghi nhớ những điều như sau:

  • Định nghĩa thật đích xác món hàng sắp được trao đổi.
  • Tìm hiểu vị trí và ý muốn của nhau: việc rà soát rất cần thiết
  • Luôn luôn xác nhận người mua có tiền để mua (Phú Ông), và người bán thực sự sở hữu hàng được bán (Bờm)
  • Kết cuộc của cuộc thương thảo bao giờ cũng phải vui: Bờm cười
  • Cuộc trao đổi bao giờ cũng phải cân bằng cho đôi hoặc đa bên.
  • Tránh dằng dai cố chấp. Đừng sợ hớ nếu phe mình biết giá trị thật của món hàng.
  • Kết cuộc xong, mối liên hệ phải tiếp tục tốt đẹp.

 Trích dẫn từ quyển “MỘT ĐỜI THƯƠNG THUYẾT” của GS. PHAN VĂN TRƯỜNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *