Gần đây tôi hay ấp ủ ý định viết một bài về xây dựng thương hiệu cá nhân. Tôi đắn đo bởi lẽ nội dung này đã được khai thác rất nhiều thừ những người nổi tiếng và uy tínhơn mình. Bạn nào cần nên học từ họ hơn là tôi.
Nhưng cách đây hai ngày tôi vừa tìm được đối tượng độc giả mình nên hướng đến (targeted audience). Thế là bèn bắt tay vào lên dàn ý và triển khai luận điểm ngay.
Ai Nên Đọc Bài Này???
Vậy bài này sẽ giúp được ai? Nó sẽ giúp được những bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân nhưng lại cảm thấy mình có một hoặc nhiều những đặc điểm như sau:
Nếu bạn không có đặc điểm nào trong số những điều trên, khả năng lớn là bạn đã nắm vững những gì tôi sắp nói, có khi còn giỏi hơn tôi nhiều Trong trường hợp ấy, tôi mong bạn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân hoặc bài viết này cho những bạn cần đến nó.
Tôi sẽ viết thành 2 bài. Phần 1 này về cái nhìn tổng quan, phần 2 đi sâu vào từng bước. Tôi biết gì thì chia sẻ nấy, cũng là dịp nhìn lại cái mình đã học được. Nếu có gì sai sót, bạn vui lòng góp ý nhé.
Nhiều người lầm tưởng rằng “xây dựng thương hiệu cá nhân” tức là xuất hiện nhiều trên TV, báo chí hoặc mạng xã hội. Nó chỉ là một phần rất nhỏ (và không bắt buộc) của thương hiệu cá nhân. ”
Xây dựng thương hiệu cá nhân” có nghĩa là “cho người ta biết mình giỏi điều gì và khi nào họ nên tìm đến mình.”
Ở một mức độ nhân bản, ít mang tính lợi nhuận nhưng lại là nền tảng, xây dựng thương hiệu cá nhân chính là xác định phong cách của bản thân trong mắt người xung quanh. Có những người làm điều này bằng khả năng thiên bẩm, đi đến đâu cũng tạo ấn tượng. Có người phải tập thì người ta mới nhớ đến.
Người ta là ai? Dĩ nhiên nếu “người ta” là cả thế giới thì quá hay, nhưng nếu bạn không thể quảng bá mình đến cả thế giới, thì “người ta” ở đây là nhóm độc giả bạn nên nhắm đến (phần sau xin gọi là targeted audience, vì chưa nghĩ ra tiếng Việt dùng từ gì).
Ví dụ:
Trong cả hai ví dụ trên, thầy dạy Vật Lý không cần đến mạng xã hội nhiều bằng hot girl bán mỹ phẩm. Đối tượng độc giả cũng rất khác nhau, và không ai cần phải nhắm đến thị trường toàn quốc ngay.
Tôi không định đưa ra lí do thuyết phục tất cả mọi người, bởi lẽ vẫn có những người sống tốt mà chẳng hề đoái hoài gì đến việc này. Và có những người sẽ bĩu môi cười chê, đọc đến đây vẫn cho rằng chỉ vì tôi là một đứa học Truyền thông nên mới đặt nặng những sự màu mè tên tuổi.
Nhưng nếu tôi đổi câu hỏi thành như sau, bạn có thấy sự khác biệt không?
Tại sao tôi nên biết mình là ai và mình thích gì?
Tôi cho rằng lí do cho việc thương hiệu cá nhân gồm có như sau:
Câu hỏi cuối là trải nghiệm thú vị nhất mà tôi nghĩ ai trong đời cũng nên trải qua một lần. Có đứng trước lợi nhuận mới biết sự kiên định và lý tưởng của mình ở mức nào. Spoiler: nó không nhiều như bạn nghĩ đâu.
Nếu bạn xây dựng thương hiệu không thành, bạn cũng sẽ biết thêm nhiều điều nơi mình, có khi là những điều hết sức thất vọng. Trải nghiệm đó là một bước học thành người.
Như đã nói ở phần trên, một số bạn sinh ra, trời đã phú cho câu trả lời.
Một số bạn khác cần phải đi tìm. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy truyền thống Việt Nam mình không đặt nặng “danh” bằng “diện.” Mặt phải giữ chứ tên không cần ghi lại. Cộng thêm nhiều nguyên nhân khác, từ đó dẫn đến sự e ngại đối với việc “khiến người khác nhớ đến mình.”
Nếu bạn vẫn thấy ngại, tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng hai câu hỏi: Tôi muốn trở thành người như thế nào và Tôi quan tâm đến điều gì?
Tôi tin rằng khi một người đã trả lời được hai câu ấy, ít nhiều họ sẽ (tự động) tỏa ra một thứ “thương hiệu cá nhân.” Đến đây nếu đã hài lòng, bạn có thể dừng lại, không cần dấn quá sâu vào con đường quảng bá. Khi nào cần lại làm tiếp, dĩ nhiên như thế thương hiệu sẽ hư hao ở một mức nhất định.
Nếu bạn vẫn chưa biết, ít nhất hãy định hình một vài điều cơ bản trong tính cách, quan niệm – và cho thế giới biết bạn là như vậy.
Những điều này xem qua có vẻ nhỏ nhặt, mà nhỏ thật chứ chả có gì nổi bật đâu. Nó chưa đủ để bạn định hình, nhưng ít nhất bạn có một khởi điểm để nhìn xa hơn.
Gạt sang một bên những câu sáo rỗng kiểu “Ai cũng đặc biệt” hay “Bạn là duy nhất.” Ai ở đây cũng đặc biệt như-nhau. Bạn nên liệt kê rất dài, đào sâu, soi xét, chiêm nghiệm, suy ngẫm mọi ngóc ngách tính cách và quan niệm của mình trước khi xác định đâu là những điểm khả quan nhất để từ đó xây dựng một thương hiệu. Tôi sẽ nói rõ hơn về điều này trong Phần 2.
Sau bước khởi đầu trên, đã đến lúc chúng ta nói sang chuyện “chiến thuật” (tactic). Ở đây không còn nhân bản và ý nghĩa như khúc trên nữa, phần nhiều là về lợi ích.
Tôi xin phép nhấn mạnh điều này:
Targeted Audience là người sẽ mang đến lợi ích trực tiếp cho bạn, bao gồm cả lợi ích về cảm xúc, tình cảm, vật chất, danh vọng,… HOẶC bớt đi tổn hại – sau khi nghe đến “thương hiệu” của bạn.
Bố mẹ: không phải là targeted audience, vì dù mình thế nào bố mẹ vẫn thương. Nếu có muốn tốt để bố mẹ đỡ khổ thì dù có lợi hay không vẫn phải làm, không cân đo đong đếm.
Hàng xóm: khả năng lớn là targeted audience chính hoặc tiềm năng. Với thầy dạy Vật Lý, hàng xóm có con nhỏ hoặc có bạn bè làm cha mẹ, đây là nhóm đối tượng chính. Họ sẽ giới thiệu, mời dạy, truyền miệng… Với hot girl bán mỹ phẩm, hàng xóm có thể là nhóm chính hoặc tiềm năng, tùy theo trong xóm có nhiều phụ nữ không, phụ nữ bao nhiêu tuổi, thu nhập thế nào, v.v… Nếu nguồn lực không đủ và xóm không phải thị trường tốt, cô ấy nên tập trung vào platform khác (Facebook chẳng hạn). Trong xóm chỉ cần im hơi lặng tiếng, ít gây thị phi, nộp tiền công ích đầy đủ, đóng cửa ít gặp hàng xóm vẫn được.
Bạn bè: bạn thân không phải targeted audience, mà là đồng minh (nếu thân thực sự). Còn lại đều có thể là targeted audience chính.
Vậy phải giả tạo với cả bạn bè sao? Như tôi đã nói ở trên và sẽ nói rõ hơn ở phần sau: xây dựng thương hiệu cá nhân không có nghĩa là giả tạo. Ngược lại, càng thật mới dễ thành công và bền lâu.
Người trên mạng xã hội: gần như 80-90% đều có thể là độc giả.
Mạng xã hội là nơi giao lưu, ngày càng có xu hướng là nơi rao vặt, tìm việc, trao đổi tri thức lẫn tin tức. Thế nên nếu mọi người đều biết bạn giỏi nấu ăn, hoặc thích Thiên Văn học, ấy là điều hay.
Xã hội: Xin nhắc lại lần nữa vì tôi nghĩ đã có vài người quên: xây dựng thương hiệu cá nhân nghĩa là cho người ta biết mình giỏi điều gì và có thể làm tốt việc gì. Thêm một người biết là thêm một cơ hội.
Tôi luôn đặt nặng điều này: cơ bản của thương hiệu cá nhân phải là những gì bản thân mình thực sự có. Với người, đó là để xác định quan hệ uy tín, dài lâu. Với mình, đó là để thanh thản, vì không ai đủ sức và tài năng để diễn mãi một vai kịch quá lớn so với bản thân.
Thế nên tôi cũng không ngại khi xem xã hội là targeted audience của mình.
Mọi nơi.
Mọi lúc.
Fake it until you make it
Learn everything you need to make it real.
Đó là lí do tôi nói bạn không nên giả tạo. Xây dựng thương hiệu thực sự là chuyện dài lâu, tốn thời gian và công sức. Đừng xây công trình của bạn trên một cái móng yếu ớt như thế, không đáng đâu.
Nếu tôi muốn xây dựng mình là cô giáo dạy Vật lý tốt, tôi phải đọc sách Vật lý nhiều hơn, chăm sóc học sinh tốt hơn, không chì chiết học sinh khi em nộp tiền trễ, v.v…
Và đừng quên nhắc thế giới về một vài hoặc tất cả những điều ấy, chẳng hạn như liên tục nhắn nhủ hàng xóm, “Cháu có dạy thêm nha. Có ai cần thì gọi cháu. Cháu mới có đứa học sinh đỗ Bách Khoa nha.”
Dĩ nhiên không phải chuyện gì cũng nên nói ra. Tỉ dụ như chuyện giảm giá học phí cho học sinh nghèo. Cá nhân tôi sẽ không thích công khai vì như thế làm em ấy buồn. Bạn cũng không nên công khai, vì khả năng lớn là ngôn từ lẫn kỹ năng của bạn chưa đủ để xử lý chuyện này một cách tinh tế, chu đáo, dễ dẫn đến phản cảm.
Nguyên tắc chung là như sau: chuyện gì vui cho cả làng thì hẳn công khai (một cách khiêm tốn). Nếu có một bên buồn/ khó xử/ có cảm xúc tiêu cực (ví dụ: em học sinh nhà khó khăn), phải cân nhắc và cư xử sao cho không làm tổn thương người ta. Danh tiếng với 10 người dưng không bằng chữ tín với 1 người quen, cả về mặt tình cảm lẫn lợi ích lâu dài.
Và câu bôi đậm ở trên chính là điều tôi muốn kết ở bài này. Danh tiếng và chữ tín, đó đều là những phần thiết yếu của thương hiệu cá nhân. Trong hầu hết trường hợp, chúng đi cùng và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, nếu có lúc chúng đối chọi hoặc mâu thuẫn, tôi tin rằng kim chỉ nam sẽ luôn là chữ tín.
Tôi hiểu rằng ngoài kia có những người tính toán xuất sắc, họ có thể bỏ chữ Tín cả nghìn lần vẫn kiếm được lợi. Nhưng bạn đã đọc bài này đến tận đây, khả năng lớn là bạn chưa thành thục kỹ xảo đến mức ấy, hoặc bạn đồng ý với những điều tôi viết (nên dù biết cả rồi vẫn muốn đọc cho vui). Trong cả hai trường hợp, tôi đều tin rằng chữ Tín sẽ dẫn đường cho bạn tốt hơn chữ Danh.
Chúc bạn sớm nổi tiếng.
Nguồn: Rio
Bình luận